Nuôi loài ngỗng lạ nhìn dữ tợn, chạy giống như chim đà điểu
Vốn là tay ngang trong nghề chăn nuôi, anh Đinh Văn Vinh (SN 1979, xóm Hồng Liên, xã Nghi Liên, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đã đầu tư nuôi ngỗng sư tử. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghề nuôi giống ngỗng lạ này đã mang lại hiệu quả kinh tế không ngờ cho anh và gia đình.
Trong những năm gần đây, các mô hình chăn nuôi gia cầm như gà sinh sản, gà thịt, vịt siêu đẻ, bò vỗ béo, ngỗng sư tử… được Hội Nông dân thành phố Vinh khuyến khích, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển khá mạnh.
Trong các mô hình trên có mô hình nuôi ngỗng sư tử của anh Đinh Văn Vinh (SN 1979) ở xóm Hồng Liên, xã Nghi Liên, TP. Vinh. Đây là mô hình chăn nuôi mới lạ, chưa áp dụng nhiều tại địa phương nhưng lại là mô hình mang lại nhiều hiệu quả kinh tế.
Mô hình chăn nuôi ngỗng sư tử của của anh Đinh Văn Vinh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Ảnh: Cảnh Thắng
Nghề nghiệp chính là thợ xây dựng, hàng ngày ngoài chăm sóc đàn ngỗng sư tử, anh Đinh Văn Vinh là thợ cả có tiếng tại địa phương.
Với bản tính cần cù, ham học hỏi, năm 2017 anh Vinh đã dành hơn 2.000 m2 đất vườn để xây dựng trang trại nuôi ngỗng sư tử. Từ một kẻ tay ngang, anh dần dần bén duyên với nghề chăn nuôi ngỗng sư tử và bước đầu làm ăn có lãi.
Năm 2018, anh Vinh đầu tư 400 con ngỗng sư tử giống tại Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT). Biết ngỗng sư tử là giống gia cầm khó chăm sóc, anh Vinh chịu khó tìm hiểu và học hỏi tại nhiều trang trại chăn nuôi.
Bằng cách nghĩ, cách làm táo bạo, anh Vinh đã áp dụng nuôi ngỗng sư tử theo mô hình thả rông, chăn thả theo hình thức bán tự nhiên. Thức ăn của ngỗng sư tử chủ yếu là rau, củ nên thịt ngỗng thơm ngon hơn.
Cách nuôi nhốt thả vươn và thức ăn chủ yếu là rau xanh nên thịt ngỗng sư tử do anh Đinh Văn Vinh nuôi rất thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Ảnh: Cảnh Thắng
Theo anh Vinh, số vốn ban đầu bỏ ra đầu tư nuôi ngỗng sư tử khá lớn, nhưng được gia đình vợ con ủng hộ nên anh quyết tâm theo đuổi mô hình.
"Mỗi con ngỗng sư tử giống có giá bán từ 100.000 đến 120.000. Khi mua 300 con ngỗng giống tôi đã tiêu tốn gần 40 triệu đồng. Tồi đầu tư chuồng trại, thức ăn cũng rất tốn kém, nhưng tôi thấy đàn ngỗng lớn nhanh tôi thấy yên tâm...", anh Vinh cho hay.
Trao đổi với Dân Việt, anh Đinh Văn Vinh chia sẻ: "Trong các loài gia cầm, thì giống ngỗng sư tử là loài có sức đề kháng cao nên ít xảy ra dịch bệnh, lại dễ nuôi. Ưu điểm của giống ngỗng sư tử là cho sản lượng thịt cao hơn các loại ngỗng cỏ thông thường...".
Theo anh Vinh, nuôi ngỗng sư tử từ lúc nhỏ rất vất vả, vì giai đoạn này nuôi nhốt hoàn toàn. Nếu không chăm sóc, giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đặc biệt không giữ ấm được cho ngỗng con thì tỷ lệ chết sẽ rất cao, nếu sống thì những con bị lạnh cũng rất chậm lớn...
Ngỗng sư tử trông rất dữ tợn, nhưng lại thứ gia cầm nhát người lạ. Mỗi khi gặp người lạ là đàn ngỗng chạy khắp vườn. Ảnh: Cảnh Thắng
"Khi ngỗng đã dần trưởng thành, việc chăm sóc đàn ngỗng trở nên đơn giản hơn. Lúc này chủ yếu tôi chăn thả ngỗng sư tử ngoài tự nhiên và các khoảnh ruộng bên cạnh. Ngoài thức ăn tự nhiên sẵn có ngoài đồng ruộng, tôi cho thêm thức ăn hỗn hợp như lúa nên ngỗng của trang trại tôi thịt thơm ngon, bổ dưỡng.", anh Vinh cho hay.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi ngỗng, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, kết quả sau 6 tháng nuôi, đàn ngỗng sư tử của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 94%. Trọng lượng ngỗng sư tử bình quân xuất chuồng đạt từ 3,5 kg đến 6 kg/con.
Anh Đinh Văn Vinh chăm sóc một "cô ngỗng" mái đang ấp trứng trong ổ của mình. Ảnh: Cảnh Thắng
Mỗi lứa anh Vinh nuôi từ 300 đến 400 con ngỗng sư tử, đầu tư khoảng 100 triệu đồng. Sau 6 tháng chăm sóc, ngỗng xuất chuồng bình quân từ 3,5 kg đến 6kg/con. Với giá bán ngỗng sư tử từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/kg tùy thời điểm, anh Vinh lãi gần 100 triệu đồng.
"Khách hàng mua ngỗng sư tử chủ yếu của trang trại nhà tôi là các nhà hàng, khách sạn và những cửa hàng chuyên bán thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Vinh. Do vậy nguồn cung ngỗng thịt nhiều lúc không đủ cầu. Tuy nhiên, trong thời gian 2 năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên ngỗng thịt của tôi không bán số lượng lớn cho nhà hàng, khách sạn mà phải bán lẻ. Tuy bán lẻ nhưng lượng đặt mua cũng nhiều, có thời điểm không còn ngỗng thịt để bán...", anh Vinh cho biết thêm.
Máy ấp trứng ngỗng của anh Đinh Văn Vinh nhằm chuẩn bị tái đàn sau dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Cảnh Thắng
Hiện anh Đinh Văn Vinh bắt đầu tái đàn để tiếp tục chăn nuôi ngỗng sư tử. Ngoài việc ngỗng mẹ tự ấp trứng anh còn đầu tư thêm máy ấp trứng nhỏ đến chuẩn bị cho việc tái đàn.
"Dù quá trình tái đàn gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn quyết đinh tái đàn, mở rộng mô hình nuôi ngỗng. Dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, nhưng có rất nhiều người gọi điện đặt mua ngỗng nhưng hiện tại nhà tôi chưa có để bán...".